Chống sét hiệu quả và an toàn cho hệ thống điện năng lượng mặt trời nhằm tránh các hiện tượng cháy nổ, chập điện, suy giảm khả năng cách điện của thiết bị và cáp dẫn, giảm tuổi thọ tiếp điểm đóng, cắt của các thiết bị bảo vệ quá dòng… Vậy để bảo vệ chống sét hiệu quả và an toàn cho hệ thống điện năng lượng mặt trời, chúng ta cần lưu ý những gì?
Giải pháp chống sét hiệu quả và an toàn cho hệ thống điện năng lượng mặt trời
Kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại do sét thực hiện bằng cách áp dụng hệ thống quy chuẩn – tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế về chống sét vào các công tác: Đánh giá rủi ro, thiết kế, thẩm duyệt, lựa chọn vật tư thiết bị, thi công, nghiệm thu, kiểm tra và bảo trì.
- Việc thực hiện đánh giá rủi ro sét theo Tiêu chuẩn quốc tế IEC 62305-2:2010/Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN 9888-2:2013 mang ý nghĩa rất quan trọng trong kiểm soát rủi ro và bảo vệ chống sét.
- Lựa chọn biện pháp bảo vệ chống sét phải căn cứ trên kết quả đánh giá rủi ro.
- Phân bố của các kim thu sét trực tiếp căn cứ vào phương pháp Quả cầu lăn (Rolling sphere) IEC 62305-3:2008/Tiêu chuẩn quốc gia 9888-3:2013.
- Tuân thủ Cấu hình và yêu cầu thống nhất – đẳng thế của hệ thống tiếp đất TCVN 9888-3:2013/IEC 62305-3:2010.
- Tuân thủ khoảng cách ly tối thiểu giữa hệ thống chống sét trực tiếp với các thiết bị hệ thống khác theo TCVN 9888-3:2013/IEC 62305-3:2010.
- Các thành phần trong hệ thống chống sét trực tiếp phải đáp ứng bộ tiêu chuẩn quốc tế IEC 62561 – từ phần 1 tới phần 7.
- Các thiết bị chống sét lan truyền phải đáp ứng thử nghiệm theo Tiêu chuẩn quốc tế:
– IEC 61643-11:2011 đối với SPD bảo vệ nguồn hạ áp xoay chiều.
– IEC 61643-31:2018 đối với SPD bảo vệ nguồn DC pin quang điện.
– IEC 61643-21:2000+AMD1:2008+AMD2:2012 CSV đối với SPD bảo vệ hệ thống điện tử – thông tin.
Các nguyên nhân chính gây ra sự cố trên hệ thống điện năng lượng mặt trời
Con người:
- Những sai sót trong quá trình triển khai lắp đặt, vận hành, kiểm tra bảo trì hệ thống.
- Quy trình và nội dung kiểm tra bảo trì chưa chi tiết, chuyên sâu dẫn đến trong quá trình thực hiện không phát hiện sớm và đầy đủ các dấu hiệu có thể dẫn đến sự cố.
- Công tác kiểm tra bảo trì chưa được Quy chuẩn hóa, dẫn đến tần suất chu kỳ thực hiện chưa thống nhất và hợp lý.
Thời tiết – Thiên tai:
- Bão lũ, mưa đá
- Tác động của sét.
Nguyên nhân sét đánh là khách quan nhưng mức độ thiệt hại lại quyết định bởi yếu tố chủ quan – con người. Ảnh hưởng của nhân tố con người nằm ở việc chưa nhận biết rủi ro và các nguy cơ tiềm ẩn từ sét dẫn đến công tác bảo vệ không nhận được sự quan tâm đúng mức. Từ khâu đầu tư cho hạng mục chống sét, thiết kế thi công, nghiệm thu, kiểm tra bảo trì hàng năm, v.v…
Thiệt hại khi sét đánh vào hệ thống điện năng lượng mặt trời
Dưới tác động của sét, hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) chịu những thiệt hại:
- Thiệt hại xảy ra ngay lập tức tại thời điểm hệ thống chịu tác động của sét, bao gồm các hiện tượng cháy nổ, chập điện, gián đoạn hệ thống nguồn, hệ thống điện tử – thông tin…
- Sét và xung sét lan truyền tác động nhưng không gây ra các thiệt hại ngay lập tức. Các thiệt hại này có thể bao gồm: Giảm hiệu năng chuyển đổi năng lượng của tế bào quang điện, suy giảm khả năng cách điện của thiết bị và cáp dẫn, giảm tuổi thọ tiếp điểm đóng, cắt của các thiết bị bảo vệ quá dòng…
- Trong một số trường hợp các sự cố trên hệ thống điện NLMT có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng con người.
Theo đánh giá, trong tương lai, tiềm năng từ nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống công trình thủy điện và các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống.
Để đạt được sự phát triển bền vững, đi song song với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng các nguồn năng lượng mới cần chú trọng hơn nữa trong vấn đề bảo vệ chống sét, tuân thủ chặt chẽ hệ thống quy chuẩn – tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và quốc tế.
⇒Xem thêm: Hiệu quả kinh tế của điện năng lượng mặt trời